Lần thứ hai Hợp tung

Thành công của Công Tôn Diễn trong lần liên minh đầu tiên là phá được thế liên hoành giữa 3 nước lớn Tần, Tề và Sở, khiến họ đứng về phía mình. Sau thất bại của liên quân ở Tu Ngư, Công Tôn Diễn rời vũ đài chính trị, phái liên hoành thắng thế. Nước Tần sợ mối liên minh Tề và Sở nguy hại cho mình nên sai Trương Nghi đi sang Sở ly gián, lừa gạt Sở Hoài vương tới 2 lần, khiến nước Sở bị mất đồng minh Điền Tề (năm 312 TCN), mất nhiều đất đai về tay Tần, bản thân Hoài vương bị nước Tần bắt giữ khi đến hội họp và cuối cùng chết ở nước Tần (296 TCN)[13].

Phong trào hợp tung lại được khôi phục, dưới sự phát động của quý tộc nước Tề là Mạnh Thường quân Điền Văn vào năm 298 TCN[2]. Nhưng lần hợp tung này không có Sở, Triệu và Yên tham gia. Nước Sở vừa suy nhược sau khi bị Tần đánh bại nhiều lần và Sở Hoài vương bị bắt, Sở Khoảnh Tương vương mới lên ngôi thế lực còn rất yếu không thể động binh[14]. Nước Triệu đang muốn tập trung binh lực tiêu diệt nước Trung Sơn nên Triệu Vũ Linh vương cũng không muốn sang mặt trận phía tây đánh Tần. Còn vua Yên khi đó là Chiêu vương mới lên ngôi sau cuộc biến loạn và bị chính quân Tề Mẫn vương tàn phá, rất căm thù nước Tề, chỉ nuôi chí báo thù Tề chứ không liên minh với Tề[2].

Do đó liên minh chỉ có Tề, Hàn và Ngụy tham gia. Mạnh Thường quân có phương lược lãnh đạo tốt, quân 3 nước cùng tiến đến ải Hàm Cốc, thu được thắng lợi. Sang năm 297 TCN, quân 3 nước lại đánh bại quân Tần lần thứ 2. Đến năm 296 TCN, Mạnh Thường quân lại chỉ huy liên quân đánh tới cửa Hàm Cốc lần thứ 2, chiếm được thành Diêm Thị. Tần Chiêu Tương vương sau nhiều thất bại liên tiếp phải cầu hòa, trả lại đất Phong Lăng cho nước Ngụy và đất Vũ Toại[15] cho nước Hàn[14].

Liên quan